Báo chí cách mạng Việt Nam – Cánh chim báo bão của Đảng – Bài 6
BÀI 6:
BÁO CHÍ CÁCH MẠNG: THẮP LỬA CHIẾN THẮNG QUA HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN TRƯỜNG KỲ
BPO – “Đất nước bước vào hai cuộc khánh chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1946-1975), chiến trường ở đâu, ở đó có tiếng nói của Đảng, của nhân dân dưới hình hài giản dị của những tờ báo cách mạng, đài phát thanh… đã định hướng, cổ vũ tinh thần chiến đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên các mặt trận ác liệt, cam go nhất; xây dựng miền Bắc làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam, cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử của hai cuộc kháng chiến” – nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Hồng Vinh nhận định.
Kháng chiến bùng nổ – báo chí lên đường
Tháng 12-1946, khi tiếng súng kháng chiến toàn quốc nổ ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” in trên Báo Cứu Quốc, đánh dấu thời khắc báo chí cách mạng bước vào một giai đoạn đầy thử thách nhưng cũng rực rỡ nhất trong lịch sử. Không chỉ làm nhiệm vụ thông tin, báo chí đã trở thành “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”, góp phần quan trọng vào việc cổ vũ tinh thần chiến đấu, nâng cao ý chí quyết thắng cho quân và dân ta.
Nhà báo Từ Lương, cháu nội Giáo sư, nhà báo, thầy thuốc nhân dân Từ Giấy, hiện là Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ trong một lần về thăm Trường làm báo Huỳnh Thúc Kháng: Tôi được nghe cha tôi, Thiếu tướng Từ Linh kể lại, những năm kháng chiến chống Pháp, dù không có điện, không có máy in hiện đại, nhưng những người làm báo giai đoạn 1947-1952 đã tranh thủ các loại máy in được lai ghép từ nhiều thiết bị khác nhau để in báo Vui Sống – cơ quan truyền bá vệ sinh của Cục Quân y, Bộ Quốc phòng – có thời điểm lên đến 5 vạn bản/số. Cứ như thế, các ấn phẩm Vui Sống theo chân các chiến sĩ như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong ba lô bộ đội. Đó thực sự là một điểm rất đặc biệt, một dấu ấn tuyên truyền hiệu quả nhất trong kháng chiến chống Pháp.
Bất chấp khó khăn, Báo Cứu Quốc vẫn bền bỉ đến với độc giả, đem tiếng nói của Ðảng và Mặt trận Việt Minh đến nhân dân, động viên mạnh mẽ toàn dân đoàn kết nổi dậy giành chính quyền – Ảnh: Tư liệu
Báo Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh là một trong những ấn phẩm có ảnh hưởng lớn nhất. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh và sau này là nhà báo Hoàng Tùng, tờ báo không chỉ phản ánh chiến sự, mà còn giáo dục chính trị, cổ vũ sản xuất, động viên nhân dân nuôi giấu cán bộ, ủng hộ kháng chiến. Nhiều cây bút lừng danh như Trần Đình Vân, Nguyễn Thành Lê, Thép Mới… đã để lại những áng văn chính luận mang đậm khí phách thời đại. Những bài viết như “Chiến thắng Điện Biên – Đỉnh cao của trí tuệ Việt Nam” hay “Hòa bình nhưng không lơ là” đã trở thành kim chỉ nam hành động cho cả một thế hệ.
Những lần chuyển địa điểm của Báo Cứu Quốc tại chiến khu Việt Bắc – Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Cùng với tờ Cứu Quốc, các tờ báo cách mạng lớn tiếp tục tồn tại, phát triển, kịp thời, phục vụ nhiều nhiệm vụ cách mạng đa dạng, từ công tác phân tích, bồi dưỡng lý luận chính trị cho tới việc đưa tin, cập nhật tình hình chiến sự, cổ vũ tinh thần chiến đấu… Nhiều bài viết xúc động ca ngợi những tấm gương như “Bà mẹ Tơm”, “Anh hùng Cù Chính Lan”, chiến sĩ Vừ A Dính… lan tỏa tinh thần yêu nước sâu sắc.
Từ rừng núi Việt Bắc báo chí vẫn không ngơi nghỉ
Trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), báo chí không chỉ đơn thuần phản ánh thời sự mà thực sự trở thành “tiếng súng thứ hai” bên chiến hào. Tại căn cứ địa Việt Bắc, mỗi kỳ họp của Trung ương Đảng, mỗi chiến dịch lớn như chiến dịch Biên giới (năm 1950), chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) đều được báo chí đồng hành sát cánh.
“Cách mệnh do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó báo chí cách mạng Việt Nam tiếp thêm sức mạnh thành công.
Thực hiện chủ trương “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến”, với sứ mệnh tuyên truyền, đấu tranh cách mạng, nhiều cơ quan báo chí lớn như Đài Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, Sự Thật, Cứu Quốc, Độc Lập… từ Thủ đô Hà Nội đã bí mật di chuyển tòa soạn lên Việt Bắc. Dưới những tán rừng Việt Bắc, Hội những người viết báo Việt Nam, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và các Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân… cùng nhiều tờ báo, tạp chí khác của Trung ương và địa phương đã chính thức khai sinh và hoạt động hiệu quả ngay trên vùng đất lịch sử này.
Nhà báo Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân chia sẻ: Theo lịch sử, ngay từ khi mới ra đời (năm 1950 tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang), Báo Quân đội nhân dân đã xông pha trên các mặt trận, chiến trường, kịp thời truyền đạt các chỉ thị, nghị quyết của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh tới cán bộ, chiến sĩ; phản ánh kịp thời tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường và những chiến công hào hùng của quân và dân ta trong trên các chiến trường. Đặc biệt, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Tại chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, báo chí cách mạng đã đưa tin từng ngày, từng giờ. Những phóng viên như Trần Mai Ninh, Nguyễn Khắc Viện không ngại hiểm nguy, bám trụ cùng bộ đội dưới làn mưa bom bão đạn, gửi về hậu phương những dòng tin nóng hổi, “tiếp lửa” cho hàng triệu con tim nơi quê nhà.
Nhà báo – liệt sĩ Lê Quang Đạo, người trực tiếp chỉ đạo tuyên truyền tại mặt trận Điện Biên Phủ, từng viết: “Báo chí không thể đứng ngoài cuộc chiến. Tờ báo là lời thề, là mệnh lệnh, là niềm tin cho hàng vạn người lính”. Hình ảnh phóng viên viết bài giữa hầm hào, sát cánh với bộ đội, đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ của báo chí kháng chiến.
Các nhà báo đọc và đánh máy, xuất bản báo tại mặt trận Điện Biên Phủ
Thời đó, mới chỉ có báo in và phát thanh, chưa có truyền hình, nhưng các “binh chủng” báo chí này phối hợp với nhau rất chặt chẽ. Lúc bấy giờ, có báo tiền tuyến, báo hậu phương, báo của các chiến khu, liên khu, báo của đảng bộ các địa phương. Nhiều tờ báo, phương tiện in thô sơ, chủ yếu là in rô-nê-ô (đánh máy chữ trên giấy nến sau đó đổ mực vào hộp đựng rồi quay tay, mỗi vòng in một tờ giấy khổ A4), thậm chí có những tờ báo chép bằng tay sau đó nhân bản bằng chép tay. Không khí của mặt trận báo chí thời đó rất sôi động. Nhiều đồng chí còn lưu những tờ báo chép tay thời ấy đến tận bây giờ. Người ta truyền tay nhau, mang hơi thở từ hậu phương ra tiền tuyến, mang niềm vui chiến thắng từ tiền tuyến về hậu phương.
Các trang báo được xuất bản tại mặt trận chiến dịch Điện Biên Phủ
Lúc bấy giờ, việc liên lạc giữa các mặt trận, giữa các chiến khu, địa phương với nhau rất khó khăn, chỉ bằng con đường chạy bộ. Người ta mang những công văn, giấy tờ, mang tin tức từ mặt trận về hậu phương và từ đó lan tỏa trở lại chiến trường, tạo thành cầu nối giữa sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh chiến dịch với cán bộ, chiến sĩ và dân công trên mặt trận.
Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân |
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, Đảng và Chính phủ mở lớp dạy viết báo đầu tiên trong kháng chiến để đào tạo, gây dựng đội ngũ cán bộ báo chí cách mạng Việt Nam mang tên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng giữa lòng chiến khu Việt Bắc – trên đồi cao Tân Thái, Đại Từ (Thái Nguyên).
Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhận định: “Năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển sang giai đoạn mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chỉ thị thành lập lớp báo chí cách mạng. Lớp có 29 giảng viên và 42 học viên. Đấy là tinh hoa của giới báo chí nước nhà vào thời điểm đó. Nhiều người đến từ các tờ báo lớn như Báo Cứu Quốc (Nguyên Bình, An Châu, Mai Thanh Hải, Mai Hồ, Lưu Hương, Hải Như, Phạm Viết Thiệu, Nguyễn Thọ), Đài Tiếng nói Việt Nam (Trần Tất Đắc), Nha Thông tin, báo Le Courrier du Vietnam (Tống Quang Khải), Báo Độc Lập (Trần Kiên), Báo Lao động (Ngô Tùng, Mai Cương), Báo Cao Bằng (Nông Việt Liêm), Báo Phụ nữ Cứu Quốc Liên khu X (Phương Lâm)…
“Các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sau này đều trở thành lực lượng chủ công, lãnh đạo chủ chốt cho các tờ báo. Trong đó có đồng chí Trần Kiên, từng là Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Nhân Dân, tờ báo chính trị lớn nhất của đất nước ta; đồng chí Lý Thị Trung, sau này nhiều năm làm Tổng Biên tập Báo Phụ nữ; anh Mai Thanh Hải, Thư ký tòa soạn của Báo Nhân Dân và một số văn nghệ sĩ lớn như Tô Hoài… Đó là những “hạt giống đỏ”, tấm gương sáng để giới báo chí, nhất là thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo” – nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết thêm.
Đoàn cán bộ Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước tham quan tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tỉnh Thái Nguyên – Ảnh P.H.M
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng – cơ sở đào tạo nguồn nhân lực báo chí đầu tiên trong lịch sử báo chí nước ta và duy nhất trong kháng chiến chống thực dân Pháp dù thời gian tồn tại rất ngắn (3 tháng), song đã ghi một mốc son tự hào trong lịch sử dân tộc giai đoạn 1945-1954, góp phần đặt những nền móng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của nền báo chí cách mạng. Trong thư gửi đến động viên Lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng”.
Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, tại tỉnh Thủ Dầu Một, tờ “Đấu tranh cho hòa bình thống nhất Tổ quốc” đã quyết liệt trong việc cổ vũ phong trào đấu tranh đòi Mỹ – Diệm thi hành hiệp định, thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Đáp ứng tinh thần yêu nước và nguyện vọng của nhân dân, tờ “Đấu tranh chống vụ thảm sát Phú Lợi” ra mắt đã kịp thời thổi bùng ngọn lửa căm thù trong nhân dân đối với chế độ tàn ác Mỹ – Diệm. Đặc biệt, Báo Chiến thắng ra đời là nguồn cổ vũ, động viên kịp thời quân và dân Thủ Dầu Một đẩy mạnh phong trào đồng khởi, giáng một đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ ở miền Nam, làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và làm thất bại chiến lược “chiến tranh đơn phương” của Mỹ – Diệm trên chiến trường miền Nam.
Năm 1957, phong trào cách mạng ở Thủ Dầu Một nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung bước vào thời kỳ khó khăn hơn. Thực hiện chỉ thị của Liên tỉnh ủy miền Đông Nam Bộ, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một quyết định ngưng phát hành tờ báo “Đấu tranh cho hòa bình thống nhất Tổ quốc” và cho phát hành 2 tờ khác. Với tờ tin nội san của Đảng bộ tỉnh được lấy tên “Cờ giải phóng”, mỗi tháng phát hành 1 kỳ và chỉ lưu hành trong đội ngũ đảng viên. Tờ Tin Tức – sau đổi tên là Thông Tin, mỗi tuần ra 1 số và được lưu hành đến đông đảo quần chúng có cảm tình với cách mạng. Cả hai ấn phẩm đều mang nội dung tuyên truyền đấu tranh đòi Mỹ – Diệm phải thực hiện Hiệp định Giơnevơ, đấu tranh cho hòa bình, thống nhất Tổ quốc và kiên quyết chống chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” tàn ác của Mỹ – Diệm. |
Báo chí – mặt trận không tiếng súng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nước ta tạm thời chia làm 2 miền, báo chí cách mạng lại tiếp tục gánh vác sứ mệnh: một mặt xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, một mặt đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam. Tại miền Bắc, các tờ báo như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Phụ nữ Việt Nam, Thiếu niên Tiền phong, Giáo dục và Thời đại… không ngừng lớn mạnh, tuyên truyền các phong trào sản xuất, học tập, cải cách ruộng đất, củng cố hậu phương, chi viện cho miền Nam.
Còn tại miền Nam, báo chí cách mạng hoạt động trong điều kiện vô cùng nguy hiểm, nhưng quyết liệt. Các tờ báo như Giải phóng, Cờ giải phóng, Phụ nữ Giải phóng, Báo Nhân dân miền Nam, Tiền Phong Giải phóng, Cứu quốc Nam bộ… được in ngay tại rừng U Minh, Tây Ninh, Củ Chi, Trường Sơn đã trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén, đưa đường chỉ lối cho lực lượng cách mạng.
Với 33 số báo, Cờ giải phóng đã thành công trong việc tuyên truyền chủ trương, xây dựng đoàn kết trong Đảng và vạch trần các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chủ nghĩa phát xít và bè lũ tay sai – Ảnh: Tư liệu
Không đơn thuần là đưa tin, báo chí còn đồng hành cùng các phong trào quần chúng. Tờ Tiền Phong cổ vũ thanh niên lên đường nhập ngũ; Phụ nữ Việt Nam vận động chị em “Tay cày, tay súng”; Nhân Dân phản ánh phong trào thi đua sản xuất “Tay cày, tay bút”; Báo Quân đội nhân dân viết về phong trào “Đồng khởi”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ ba nhất”… Tất cả nhân lên sức mạnh tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Khi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử diễn ra, báo chí cách mạng hoạt động hết công suất. Các phóng viên chiến trường của Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Giải phóng, Thông tấn xã Việt Nam… theo sát từng bước tiến của đại quân từ Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng, đến cửa ngõ Sài Gòn. Nhiều nhà báo – chiến sĩ đã trở thành huyền thoại. Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng – bút danh Nguyễn Thành, người sáng lập báo Cứu quốc Nam bộ, đã đưa những tin tức từ chiến khu đến Sài Gòn bằng mạng lưới bí mật, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào đô thị; nhà báo Trần Bạch Đằng – người chỉ đạo tuyên truyền trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, là linh hồn của nhiều chiến dịch truyền thông trong lòng Sài Gòn… Rồi hàng ngàn nhà báo đã hy sinh vì Tổ quốc. Trong đó có những cái tên bất tử như Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Đình Thi…
Tháng 4-1975, khi Báo Giải phóng số cuối cùng đăng tin chiến thắng lịch sử, cả nước vỡ òa. Báo chí cách mạng Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hình ảnh phóng viên Đinh Trọng Duy trèo lên xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 để chụp tấm ảnh lịch sử đã trở thành biểu tượng bất tử. Từ chiếc radio nhỏ, tiếng phóng viên báo Giải phóng truyền tin chiến thắng đã bật khóc giữa trăm ngàn chiến sĩ…
Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 – Ảnh: Trần Mai Hưởng
Bộ đội Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đánh chiếm và truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 4-1975 – Ảnh: Đinh Quang Thành
Các nhà báo Ngô Minh Đạo, Trần Mai Hưởng, Đinh Quang Thành (từ trái sang) trong lễ trao tặng những bức ảnh tư liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III – Ảnh: Kiến Nghĩa
Tỉnh Sông Bé được thành lập ngày 2-7-1976 trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Bình Dương (tỉnh Thủ Dầu Một cũ) và Bình Phước (do chính quyền cách mạng sáp nhập 2 tỉnh Bình Long, Phước Long) và 3 xã An Bình, Bình An, Đông Hòa của huyện Thủ Đức. Cùng với việc hình thành các sở, ban, ngành của tỉnh thì cơ quan Báo Sông Bé cũng được thành lập.
Theo các đồng chí nguyên lãnh đạo Báo Sông Bé, từ tháng 6-1976, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sông Bé quyết định về việc thành lập Báo Sông Bé. Thời gian đầu mới thành lập, Báo Sông Bé gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất và nhân lực, nhưng với ý chí kiên cường, không ngại gian khó ban biên tập, cán bộ, phóng viên đã vượt lên tất cả hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày 10-12-1976, Báo Sông Bé ra số đầu tiên, đánh dấu mốc quan trọng của lịch sử báo chí tỉnh Sông Bé nói chung và của 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước sau này. Trong thời gian từ năm 1976-1978, cứ 10 ngày báo lại ra 1 số với nội dung tuyên truyền về lịch sử, kháng chiến, chính trị mà trọng tâm là phát triển kinh tế mới, vận động giãn dân từ đô thị về nông thôn; công tác cứu đói, trấn áp các phần tử chống phá cách mạng… |
Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là một trong những chương hào hùng nhất của dân tộc Việt Nam. Trong chương sử vẻ vang của dân tộc, báo chí cách mạng đã viết nên những trang sử bằng mồ hôi, nước mắt, máu và cả niềm tin bất khuất vào Đảng, Bác Hồ kính yêu của những nhà báo thời chiến. Họ đã không chọn con đường dễ dàng. Họ chọn đi giữa chiến tuyến, cầm bút như cầm súng, sống cùng nhân dân, viết vì Tổ quốc. Tinh thần của những nhà báo “vượt rừng, băng suối, lấy tin dưới bom đạn” trở thành di sản vô giá cho các thế hệ làm báo hôm nay.
Từ những trang báo viết tay in trên bàn đá rừng Việt Bắc, đến những số báo rực lửa giữa tuyến lửa miền Nam, báo chí cách mạng Việt Nam đã làm nên một dòng chảy lịch sử kiên cường và vĩ đại. Suốt gần 30 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, báo chí cách mạng không chỉ đưa tin mà còn thắp sáng ý chí độc lập, là “chiến sĩ tiên phong” trên mặt trận tư tưởng, cổ vũ toàn dân, toàn quân vững tin giành thắng lợi. Theo thống kê chưa đầy đủ, có hơn 450 tờ báo, bản tin, tập san đã từng xuất bản trong giai đoạn 1946-1975, phần lớn do các cơ quan Đảng, quân đội, đoàn thể phát hành. Hơn 600 nhà báo đã hy sinh trong chiến tranh. Những con số ấy là minh chứng cho sự dấn thân không mỏi của một lực lượng đặc biệt – lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam. |
Minh Hòa – Minh Luận
